Phường Ngọc Hà, thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên 2,62 km2; quy mô dân số 77.846 người. Phường được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Vĩnh Phúc, Liễu Giai (quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Ngọc Hà, Đội Cấn, Kim Mã, Cống Vị (quận Ba Đình); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình); một phần diện tích đất giao thông phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy).
Bản đồ địa giới hành chính 3 phường mới: Ba Đình, Ngọc Hà và Giảng Võ trên cơ sở quận Ba Đình
Phường Ngọc Hà đặt trung tâm hành chính - chính trị tại phường Liễu Giai cũ; trụ sở Đảng ủy, HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phường đặt tại số 25 phố Liễu Giai, thành phố Hà Nội.
Với đặc thù dân cư đông đúc, có nhiều làng cổ như Ngọc Hà, Đại Yên, Liễu Giai, Vạn Phúc, Cống Yên, Vĩnh Phúc, Kim Mã Thượng, Cống Vị..., phường Ngọc Hà đồng thời là địa bàn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi bật. Hệ thống di tích đình - đền - chùa, di tích các mạng kháng chiến, lưu niệm sự kiện đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và xã hội của người dân, cũng là những tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch và giáo dục quan trọng của phường Ngọc Hà.
Ngọc Hà - Tên gọi của miền ký ức
Theo sử liệu, dưới lòng đất giữa quận Ba Đình, ở độ sâu 3 mét tại địa chỉ 18 Hoàng Diệu, vào các năm 2003-2004, đã khai quật được một lòng sông cổ, đáy còn vùi nguyên cả một con thuyền, cùng với dấu tích của một vạt cây hoa sen. Nhìn vào tấm bản đồ Hoàng thành Thăng Long đời Hồng Đức, thấy đúng ở chỗ vừa phát lộ dòng sông, có vẽ hình một ngôi điện mái cong, với hai chữ "Ngọc Hà". Khi chưa đào khảo cổ thấy dòng sông cổ bị vùi, hai chữ "Ngọc Hà" này đã được hiểu là tên đẹp của toà kiến trúc cung đình được vẽ trên bản đồ. Nhưng giờ thì đã thấy đấy chính là tên của dòng sông - đẹp quý như ngọc ngà - xưa chảy giữa Hoàng thành Thăng Long.
Làng hoa Ngọc Hà - miền ký ức đẹp đẽ của mỗi người dân Hà Nội
Ngọc Hà là sản phẩm của đợt mở rộng Hoàng thành Thăng Long đầu tiên - ở cuối thời Lý, đời vua Lý Cao Tông về phía Tây, làm và thành vườn Thượng Lâm - Ngự uyển, để cho đến thời Lê sơ - đời vua Lê Thánh Tông - thì khu Hoàng thành này có "hình thước thợ" như tấm bản đồ niên hiệu Hồng Đức đã thể hiện.
Dòng sông xưa tắm tưới và làm đẹp cho khu vườn Thượng Lâm - Ngự uyển ở mạn Tây hoàng thành, đến khi vùng kiến trúc cung đình này - về thời Lê mạt - bị "co" lại (để sang đến thời Nguyễn thì chỉ còn và chồng lên là khu "Thành cổ Hà Nội") thì hoá thân thành dải hồ nước ở trong "Công viên Bách Thảo" bây giờ (vốn xưa là đất làng Ngọc Hà) và cho ngôi làng hoa nổi tiếng này "mượn" tên cũng như là có một thời gần đây "nối" nghề (nuôi trồng hoa trong vườn Ngự uyển).
Cái tên Ngọc Hà ra đời từ đó. Thế mới biết, làng hoa lâu đời bậc nhất Hà Thành đã gắn liền với vùng đất theo suốt chiều dài lịch sử, trải qua hàng nghìn năm biến cố, người làng Ngọc Hà vẫn giữ được nét đẹp tinh túy của người Hà Nội, ngày ngày mang “hương sắc” cho đời.
Hệ thống di tích đa dạng và độc đáo
Phường Ngọc Hà sở hữu nhiều di tích nổi bật như: Chùa Vĩnh Khánh, Cống Yên, Bát Tháp, Bát Mẫu; Đình Cống Vị, Kim Mã Thượng, Vạn Phúc, Đại Yên, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc 2; Đền Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Cống Yên, Miếu Trắng, Đống Nước; di tích cách mạng kháng chiến, lưu niệm sự kiện Nhà máy bia Hà Nội...
Chùa Bát Tháp nằm trên phố Đội Cấn
Toàn bộ hệ thống các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh của phường Ngọc Hà hiện nay cũng đều có những sự tích kỳ thú và ý nghĩa giá trị như câu chuyện về dòng sông và làng hoa Ngọc Hà, với đặc trưng bao trùm và nổi bật, là: liên quan gắn bó mật thiết với khu Hoàng thành Thăng Long nghìn năm xưa.
Những thành tố quan trọng của Hà thành Thập Tam Trại
Thập tam trại là tên gọi dân gian để nói về một vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long (nay bao gồm các địa danh: Thủ Lệ, Vạn Phúc, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Kim Mã, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Cống Vị, Cống Yên, Vĩnh Phúc, Xuân Biểu, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Giảng Võ) được vị công thần triều Lý tên Nguyễn Quý Công (Hoàng Phúc Trung hay Ông Hoàng Lệ Mật) người làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) lập công lớn và được vua ban thưởng tước lộc, song Ông đã không nhận mà tâu vua cho dân nghèo ở bản quán được vượt sông Nhị Hà sang khai hoang lập ấp ở phía tây thành Thăng Long, khai khẩn vùng đất hoang, lập 13 trại vừa là 13 ấp quân cơ để bảo vệ kinh đô, vừa là tạo nên các làng nghề, nông nghiệp trù phú, cung cấp các nhu yếu phẩm cho Kinh thành Thăng Long, như làng Ngọc Hà dệt lụa, trồng hoa, Hữu Tiệp nghề mộc, trồng hoa (Thời Pháp gọi chung với làng Ngọc Hà là Trại Hàng Hoa), Hào Nam trồng rau, Đại Yên làng thuốc...
Phường Ngọc Hà có các trại Vạn Phúc, Kim Mã Thượng, Liễu Giai, Cống Vị, Cống Yên, Vĩnh Phúc, Đại Yên gắn liền với 9 di tích: Đình Cống Vị, Kim Mã Thượng, Vạn Phúc, Đại Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc 2; Đình - đền Liễu Giai; Đền Cống Yên và Đống Nước thuộc hệ thống Hà Thành Thập Tam Trại.
Trải qua nhiều biến đổi, Thập tam trại lúc đầu chỉ do một vài dòng họ khai khẩn, sau đông mới lập thành làng xã. Tuy vậy, giữa nơi ở mới (kinh quán) và quê cũ (cựu quán) vẫn có sợi dây liên kết. Chính vì vậy, hàng năm, cứ vào ngày 23/3 âm lịch, tại hội làng Lệ Mật, người dân Thập tam trại cũng tổ chức mừng ngày đức “Thánh tổ” đưa dân sang khai hoang lập ấp phía tây kinh thành. Các trại đều cử người và đem lễ vật về cúng tế. Ứng với câu đồng dao cổ vẫn được người dân Thập tam trại truyền tai nhau:
Đến ngày hăm ba tháng Ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.
Lễ hội kỷ niệm 980 năm Thập Tam Trại
Trong không gian của phố phường tấp nập, chỉ sau lớp nhà phố phía ngoài là hệ thống các làng của Thập tam trại len lỏi với đầy đủ thiết chế của làng thuần Việt xưa: Cổng làng - đường độc đạo - chùa đình đền - những ngôi nhà thôn quê nhỏ nhắn và nghề truyền thống… Bên cạnh đó là những lễ hội của từng Làng - Trại, của Thập tam trại với sự tham gia của đông đảo cư dân địa bàn, liên địa bàn cũng đã nói lên tình yêu, sự gắn bó với mảnh đất quê hương này.
Ngọc Hà - Dòng chảy của văn hóa ngàn năm tiếp tục khơi dòng phát triển trong thời đại mới
Với vị thế là nơi tiếp giáp với trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, cộng hưởng cùng những giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời, Ngọc Hà còn là nơi phát triển mạnh mẽ các hoạt động giao thương, kết nối các hoạt động - sự kiện văn hóa có quy mô lớn diễn ra tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các địa phương, các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Theo tiến trình phát triển của đất nước, phường Ngọc Hà mới cần không ngừng nỗ lực, vận động, chuyển mình mạnh mẽ để bắt kịp sự vận động kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc. Phát huy khí chất của một Ba Đình văn minh - thanh lịch - nghiêm túc - nghĩa tình, phường Ngọc Hà dù chuyển mình nhưng bản sắc văn hóa, các giá trị lịch sử và biểu tượng sẽ luôn được bảo tồn. Dòng chảy của lịch sử - văn hóa nghìn năm sẽ tiếp tục được khơi dòng, phát triển và phồn vinh, đưa Ngọc Hà trở thành vùng đất đáng sống của mọi người dân.
VHXH