Kinh tế Hà Nội tiếp tục phục hồi và phát triển ổn định trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp, đầu tư công, thương mại, du lịch và thu hút vốn FDI. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 đạt 392.1 nghìn tỷ đồng, đạt 76,3% dự toán và tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này đánh dấu sự khởi sắc, cho thấy năng lực của Thủ đô duy trì đà phục hồi sau biến động của thị trường thế giới. Thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả. Sự kết hợp giữa các chính sách cải cách hành chính, đầu tư công hiệu quả và chiến lược hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nội địa đã tạo ra nền tảng vững chắc cho thị trường tiêu dùng nội địa; trong đó Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt những kết quả cụ thể như sau:
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền
Ban Chỉ đạo (BCĐ) CVĐ Thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch số 55/KH- BCĐCVĐTP ngày 05/3/2025 về việc thực hiện CVĐ năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội; hướng dẫn tổ chức thực hiện CVĐ phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; tích cực tuyên truyền CVĐ đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân. Thông qua các hình thức đa dạng, phong phú như: Phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích, pano, khẩu hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin, đưa nội dung tuyên truyền CVĐ trên các nền tảng mạng xã hội,... qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân ưu tiên, lựa chọn sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện CVĐ trên địa bàn.
Nội dung tuyên truyền: Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới; Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 - 2025; các Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động của thành phố Hà Nội; kết quả chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" năm 2024. Gắn nội dung tuyên truyền thực hiện CVĐ với tuyên truyền các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Thành phố, đặc biệt là công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
2. Chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường, hỗ trợ người tiêu dùng
Thành phố triển khai việc đảm bảo bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Các sở, ngành liên quan đã tích cực tham mưu Thành phố triển khai nhiều nội dung, trong đó có: Công tác bình ổn thị trường, kích cầu nội địa tăng tổng mức bán lẻ và hỗ trợ lưu thông hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 10.600 điểm bán phục vụ người dân trong dịp Tết và những tháng trong năm 2025; triển khai kế hoạch chương trình hành động vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2025; tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2025; duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật; thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác, tạo ra các thương hiệu sản phẩm mạnh trên thị trường.
Thành phố và các đơn vị thành viên BCĐ CVĐ Thành phố tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đã trở thành điểm nhấn trong thực hiện CVĐ như:
Tiếp tục giới thiệu danh sách 3.000 sản phẩm nông sản, OCOP các tỉnh đến hệ thống phân phối ở Hà Nội, đáp ứng đúng yêu cầu của kênh phân phối, người tiêu dùng; tăng cường sản xuất các sản phẩm lưu niệm, hàng thủ công truyền thống giới thiệu, quảng bá về du lịch Hà Nội, về du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp nông thôn - OCOP; phát triển, kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội; thực hiện chuyển đổi số, đưa các sản phẩm du lịch Hà Nội tiếp cận với thị trường khách hàng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức Hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền do phụ nữ Thủ đô sản xuất,...
Các hoạt động về liên kết vùng, hội nghị kết nối cung cầu, nguyên liệu đầu vào giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong nước.
Thành phố chỉ đạo các sở, ngành tích cực triển khai nhiều hoạt động như: Giới thiệu các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, Festival, tuần lễ, hội nghị kết nối, trưng bày giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm nông, lâm, thủy sản đến các hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; tổ chức các "Phiên chợ công nhân, phiên chợ nghĩa tình", "Gian hàng giảm giá", "Hội chợ hàng Việt", "Chợ lưu động", "Siêu thị Công đoàn"… với hàng hóa là thương hiệu Việt ở các khu đông công nhân lao động sinh sống, ưu tiên tổ chức tại các Khu công nghiệp, chế xuất, khu nhà trọ, nhà ở công nhân; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương; hướng dẫn hội viên nông dân tích cực tham gia các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản tại các hội chợ; tổ chức trưng bày các sản phẩm sáng tạo, trải nghiệm công nghệ số giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực Hà Nội...
3. Về công tác quản lý nhà nước
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tham mưu Thành phố triển khai việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh như:
Đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, tuyến phố thương mại trên địa bàn Thành phố; thông báo, khuyến khích các Ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn Thành phố đăng ký hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng và cấp mã QR cho các hộ kinh doanh trong chợ; các cửa hàng kinh doanh trong tuyến phố thương mại; Hỗ trợ cài đặt ứng dụng của ngân hàng (App) trên thiết bị thông minh. Phối hợp hướng dẫn, tham gia góp ý một số đề xuất phát triển các tuyến phố đi bộ, tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố,...; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, tiếp tục triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp" năm 2025; tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số,... Các đơn vị, địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu hàng Việt; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương...
Công tác quản lý thị trường
UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp tục phát triển Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn), 100% các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố đã ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của nhà nước để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là hàng hóa nhập lậu giá rẻ từ nước ngoài để gắn nhãn mác của các nhà sản xuất trong nước có uy tín trên thị trường nhằm thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích"
BCĐ và các thành viên BCĐ, các sở, ban, ngành của Thành phố tăng cường tuyên truyền kết quả chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" những năm trước; Tiến hành biên tập cuốn ấn phẩm "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2024" nhằm quảng bá, giới thiệu 150 sản phẩm, dịch vụ của 140 doanh nghiệp đạt danh hiệu.
5. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của BCĐ CVĐ Thành phố và các đơn vị thành viên
Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường công tác tuyên truyền CVĐ, trọng tâm là triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 về tăng cường thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích", đồng thời lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình điển hình, tôn vinh tổ chức, cá nhân, sản phẩm được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.
Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường; tổ chức các chương trình bán hàng Việt, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, vận động các doanh nghiệp bán hàng lưu động, đưa hàng về các đại lý, tại các vùng xa, phục vụ người tiêu dùng; khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa cho đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại: Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng kinh doanh rau, thực phẩm an toàn, kho hàng, tuyến phố thương mại, đẩy mạnh phát triển thị trường khu vực nông thôn...
Triển khai các hội chợ, chương trình khuyến mại, giảm giá, chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội; rà soát, triển khai chương trình kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp.
Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn: Gắn hoạt động của CVĐ với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung kết nối cung - cầu; tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kích cầu tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước.
Triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi sản xuất kinh doanh trái pháp luật, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức trong dịch bệnh, lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của Nhà nước để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Ban Xây dựng Đảng