Ảnh minh họa
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án thành những nội dung công việc được giao cụ thể theo lộ trình thời gian để thực hiện hiệu quả Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035" đã được UBND Thành phố phê duyệt.
Nội dung thực hiện
1. Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân và xã hội về giáo dục nghề nghiệp: Ban hành Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp theo giai đoạn và cụ thể từng năm với các nội dung và hình thức truyền thông rõ ràng; Tổ chức đa dạng các chương trình, hoạt động, cuộc thi, tọa đàm, phóng sự, truyền hình, quảng cáo…; Mở rộng quy mô các hoạt động mang tính lan tỏa.
2. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp: Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ nhà giáo có năng lực, trình độ, tay nghề cao vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cho cán bộ, nhà giáo chủ chốt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại nước ngoài; Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng cho lãnh đạo quản lý và đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
3. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế: Khai thác tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết.
4. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù: Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ đối với các ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng; Chính sách hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; Chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên học nghề đối với các chương trình chất lượng cao.
5. Đất đai, cơ sở vật chất: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất giáo dục nghề nghiệp cho các đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho các đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập; Bàn giao đất cho các Trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc Thành phố.
6. Rà soát, sắp xếp và đổi tên các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc Thành phố.
7. Xây dựng mô hình hoạt động đối với các trường công lập thuộc Thành phố: Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lựa chọn phát triển trường chất lượng cao đối với các trường được lựa chọn; Phê duyệt lựa chọn đầu tư đào tạo các ngành, nghề trọng điểm; Xây dựng Đề án trở thành Trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
8. Thực hiện công tác tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các trường công lập thuộc Thành phố: Xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng; Xây dựng lộ trình tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư đến năm 2030 đối với Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội; Triển khai các dự án đầu tư công.
UBND Thành phố giao các đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung Đề án nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp Thủ đô. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch và Đề án theo quy định.
UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, chính quyền cơ sở và các cơ quan, tổ chức nắm được cụ thể nội dung và lộ trình triển khai, hoàn thành công việc được giao; từ đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động tham mưu, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc một cách thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Nguồn: hanoi.gov.vn